Tình hình triển khai các nhiệm vụ theo Chỉ thị số 12/CT-BCT ngày 12/11/2021của Bộ Công Thương và tình hình thị trường cung cầu, giá cả hàng hóa dịp cuối năm 2021

Báo cáo Tình hình triển khai các nhiệm vụ theo Chỉ thị  số 12/CT-BCT ngày 12/11/2021của Bộ Công Thương và tình hình thị trường cung cầu, giá cả hàng hóa dịp cuối năm 2021

Thực hiện Chỉ thị số 12/CT-BCT ngày 12/11/2021 của Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Sở Công Thương tỉnh Điện Biên báo cáo tình hình triển khai các nhiệm vụ theo Chỉ thị số 12/CT-BCT ngày 12/11/2021 của Bộ Công Thương và tình hình thị trường cung cầu, giá cả hàng hóa dịp cuối năm 2021, như sau:

1. Công tác chỉ đạo triển khai của Sở.

Sở Công Thương đã chủ động triển khai các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND tỉnh về đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường đến các đơn vị, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh công nghiệp, thương mại trên địa bàn tỉnh, cụ thể:

- Ban hành công văn số 1684/SCT-QLTM ngày 26/11/2021 về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 12/CT-BCT ngày 12/11/2021 của Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; công văn số 1447/SCT-QLTM ngày 12/10/2021 chỉ đạo phòng Kinh tế/ Kinh tế và hạ tầng các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị trực thuộc sở, các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực hiện tổ chức khai thác, dự trữ, cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng Quý IV năm 2021 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022; công văn số 1569/SCT-QLTM ngày 05/11/2021 về việc triển khai các biện pháp đảm bảo cung ứng hàng hóa và phòng chống dịch Covid-19; công văn số 1850/SCT-QLTM ngày 22/12/2021 về việc Triển khai "Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, nhà hàng";...

- Chỉ đạo các phòng chuyên môn, các đơn vị trực thuộc tập trung theo dõi diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa; phối hợp với các ngành chức năng tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến, dự trữ, phân phối hàng hóa, đảm bảo không thiếu hàng, gây sốt giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân; hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trên nền tảng trực tuyến; đôn đốc và tạo điều kiện để các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa đến khu đông dân cư, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

- Tiếp tục, duy trì mô hình thí điểm về Điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại siêu thị Hoa Ba, Hộ kinh doanh Nguyễn Thị Loan, hộ kinh doanh Nguyễn Thị Huyền, hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam…Duy trì “ Mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm” tại chợ Noong Bua, thành phố Điện Biên Phủ.

- Chỉ đạo Công ty Điện lực tỉnh Điện Biên phối hợp với các nhà máy phát điện trên địa bàn đảm bảothực hiện nghiêm túc kế hoạch sản xuất, cung ứng điện, đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định nhất là thời gian cuối năm 2021 và trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

- Phối hợp với các ngành thành viên Ban chỉ đạo 389 của tỉnh tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi gian lận thương mại khác trong thời điểm trước, trong và sau Tết. Thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu mua sắm cao trong dịp tết, như: Lương thực, thực phẩm, rượu, bia, bánh, mứt, kẹo, phân bón, xăng dầu,…

2. Công tác triển khai tổ chức phục vụ tết củacác đơn vị.

Qua tổng hợp báo cáo của phòng Kinh tế/Kinh tế và Hạ tầng của các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị doanh nghiệp cho thấy:

2.1.Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Có kế hoạch, chủ động chuẩn bị tốt nguồn hàng, bảo đảm ổn định thị trường, đồng thời tuân thủ nghiêm các quy định về phòng chống dịch Covid-19, áp dụng các biên pháp thích ứng an toàn với dịch bệnh để đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh sẵn sàng phục vụ nhu cầu của nhân dân thời gian cuối năm 2021 và trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.Các đơn vị chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị và các điều kiện để phục vụ: Tu sửa sắp xếp, có kế hoạch trang trí lại các cửa hàng, quầy hàng, treo cờ Tổ quốc, khẩu hiệu. Mở thêm quầy phục vụ và các quầy bán hàng lưu động, tăng thêm giờ phục vụ, bổ xung lao động bán hàng, tổ chức phục vụ sớm ở các điểm bán vùng sâu, vùng xa. Chỉnh trang công sở cửa hàng, làm tốt công tác an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, bố trí lực lượng bảo vệ thường xuyên. Hàng hóa dự trữ, tập trung chủ yếu là các mặt hàng thực phẩm thiết yếu có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp Tết như: Gạo, thịt lợn, thịt trâu, bò, giò, thủy sản, rau quả, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, thực phẩm chế biến, hoa cây cảnh, hàng điện tử, điện lạnh, xăng dầu, gas, hàng may mặc…Thường xuyên nắm bắt thông tin về thị trường giá cả chủ động tính toán lượng hàng hóa theo nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng trên địa bàn phục vụ để có kế hoạch chuẩn bị tốt nguồn hàng và tổ chức vận chuyển, dự trữ  hàng hóa đến tất cả các điểm bán (chú trọng quan tâm đến đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19), đảm bảo đủ hàng phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân, phong phú về chủng loại, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, bao bì mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý, không để sẩy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

- Công ty Điện lực tỉnh Điện Biên phối hợp với các nhà máy phát điện trên địa bàn có kế hoạch sản xuất, cung ứng điện an toàn cho sản xuất, tiêu dùng, đảm bảo cung ứng điện ổn định nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 và tại các điểm cách ly, các vùng phong tỏa, bệnh viện dã chiến, các cơ sở y tế cấp tỉnh và cấp huyện, các điểm nóng phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, tổ chức phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh. Triển khai thực hiện công tác bảo vệ an toàn phòng chống cháy nổ các thiết bị điện của các nhà máy thủy điện cũng như hệ thống lưới điện trên địa bàn quản lý khai thác; chú trọng công tác bảo vệ an toàn PCCN tại các nơi công cộng, khu dân cư.

- Các đơn vị cấp nước, bưu chính viễn thông có kế hoạch đảm bảo cung cấp ổn định, thông suốt các dịch vụ về thông tin liên lạc, nước, đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân, cơ quan và doanh nghiệp trong dịp Tết Nguyên đán.

 - Các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng (gạch tuynel, tấm lợp, xi măng, khai thác cát sỏi, đá …) phát huy năng lực, sức sản xuất của cơ sở hiện có tạo ra nhiều sản phẩm đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp, phục vụ cho hoạt động xây dựng trong suốt mùa khô.

- Công ty xăng dầu Đầu mối và các công ty kinh doanh bán lẻ xăng dầu, LPG trên địa bàn đảm bảo dự trữ lưu thông theo quy định và có kế hoạch chuẩn bị tốt nguồn hàng và cơ sở vật chất để phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, sinh hoạt trước trong và sau Tết.

2.2. Tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị.

Các Ban quản lý, hợp tác xã, doanh nghiệp tăng cường kiểm tra, rà soát, sắp xếp các khu vực bán hàng theo các ngành hàng, làm tốt công tác vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ,xây dựng phương án phòng, chống dich bệnh Covid-19. Các hộ kinh doanh tại chợ, các cửa hàng cam kết không sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo VSATTP, văn hóa phẩm mê tín dị đoan bị cấm hoặc không được phép lưu hành. Thực hiện nghiêm các quy định về quy chế, nội quy của chợ, trung tâm thương mại, siêu thị…Các siêu thị, cửa hàng tiện ích thực hiện các phương thức bán hàng văn minh, hàng hóa bán đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết... Đồng thời, tích cực thực hiện các chương trình khuyến mại, giảm giá bán, tham gia các chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Chương trình bình ổn giá cả thị trường theo quy định.

2.3. Phòng Kinh tế/Kinh tế và Hạ tầng các huyện, thị xã, thành phố.

- Chủ động theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa nhất là các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn để chủ động có phương án kịp thời tham mưu UBND huyện đề xuất với UBND tỉnh các biện pháp nhằm ổn định thị trường khi cần thiết.

- Vận động khuyến khích các tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh trên địa bàn huyện chuẩn bị nguồn hàng hóa đảm bảo ổn định thị trường phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Hàng hóa tập trung vào các mặt hàng thiết yếu và tiêu dùng nhiều như: lương thực, thực phẩm (gạo tẻ, gạo nếp, thịt, giò chả các loại); rượu, bia, nước giải khát; bánh, mứt, kẹo; quần áo, giầy dép; đồ điện tử, điện lạnh…Trong đó đặc biệt quan tâm đến một số mặt hàng sẽ có biến động tăng mạnh như: gạo nếp, thịt lợn, thịt gà, thịt trâu, bò; quần áo, giầy dép; rau củ quả các loại…. Đề nghị các doanh nghiệp có hệ thống phân phối trên địa bàn, các hộ kinh doanh rà soát đơn hàng, tiết giảm chi phí, cam kết không tăng giá bất hợp lý, tăng cường các hoạt động khuyến mại, giảm giá.

- Chủ động nắm bắt nhu cầu của nhân dân đối với từng loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu để có giải pháp chỉ đạo cung ứng đủ nguồn hàng, kiểm soát chất lượng hàng hóa tại các chợ nông thôn; tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn thực hiện văn minh thương mại, bán hàng bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm,không mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng, chủ trì phối hợp các đoàn thể, chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra giám sát phòng chống dịch bệnh Covid-19, phòng ngừa dịch gia súc, gia cầm...

- Tham mưu trình UBND huyện, thị xã, thành phố ban hành văn bản chỉ đạo UBND các xã tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, tổ chức tham gia hoạt động bán hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa và các hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn. Chỉ đạo công tác phòng, chống cháy nổ, ATTP trong các chợ; kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng, cung cấp dịch vụ theo giá niêm yết , phòng chống dịch Covid-19 tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các nơi mua bán tập trung trên địa bàn. Tham mưu cấp chính quyền địa phương điểm tổ chức chợ hoa, cây cảnh, chợ tết an toàn, vệ sinh, văn minh thương mại đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, thưởng thức trong dịp Tết.

3. Tình hình cung cầu hàng hóa và giá cả thị trường.

Tháng 12/2021 dịch Covid-19 trên  địa bàn tỉnh được kiểm soát cùng với việc thực hiện hiệu quả “Mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới; thực hiện Nghị quyết số 128/NQCP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid19” nên các hoạt động sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa và các dịch vụ tiêu dùng ổn định. Lưu thông hàng hóa và dịch vụ thương mại trên thị trường khá sôi động, sức mua hàng hóa trong tháng tăng do các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh đẩy mạnh hoạt động sản xuất, dự trữ hàng hóa, chuẩn bị nguồn hàng phục vụ nhân dân dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên Đán Nhâm Dần.Giá cả hàng hóa, dịch vụ cơ bản ổn định, hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng của người dân; các chương trình xúc tiến thương mại được các đơn vị, doanh nghiệp tập trung triển khai thực hiện.

Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 12 ước đạt 262 tỷ đồng (giá so sánh) tăng 4,11% so với tháng trước và tăng 4,47% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 12 năm 2021 ước đạt 1.420 tỷ đồng, tăng 5,58% so với tháng trước và tăng 16,28% so với cùng kỳ năm trước.Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ địa phương tháng 12 ước đạt 8,65triệu USD bằng91,44% so với tháng trước,tăng gấp 3,8 lần so với thực hiện tháng 12 năm 2020.

Giá bán lẻ một số mặt hàng tại thời điểm báo cáo trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ: Gạo tẻ thường14.000- 15.000đồng/kg; gạo Tám thơm 16.000 - 17.000 đồng/kg; gạo nếp nương 32.000 - 35.000 đồng/kg; giá lợn hơi trên địa bàn là 52.000 - 55.000 đồng/kg, thịt nạc thăn giá 120.000 đồng/kg, thịt ba chỉ giá 110.000 đồng/kg, thịt mông sấn giá 110.000 đồng/kg; thịt trâu, bò loại I  giá 250.000 - 260.000 đồng/kg(giữ giá); gà nuôi truyền thống giá từ 140.000 - 145.000 đồng/kg; cá chép loại 1kg trở lên giá 60.000 - 70.000đồng/kg; giá trứng gà 4.000 - 5.000 đồng/quả; trứng vịt 3.000 - 3.500 đồng/quả.Giá các loại rau củ tăng giảm tùy loại so với tháng trước, cụ thể: Rau cải xanh 8.000 - 10.000đ/kg(giảm 5.000-10.000/kg); Cà chua 40.000-45.000đ/kg(tăng 10.000-15.000/kg); khoai tây 20.000đ/kg; bí xanh 15.000-20.000đ/kg; rau muống 10.000/kg...

Nhìn chung giá cả thị trường cơ bản ổn định, hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn tỉnh.

4. Một số công việc cần tiếp tục tập trung chỉ đạo trong dịp Tết.

- Tiếp tục tăng cường công tác dự báo cung cầu, diễn biến giá cả thị trường hàng hóa tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng nhiều trong dịp Tết; chỉ đạo các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh dự trữ sản xuất, khai thác các mặt hàng thiết yếu trong tháng Tết để phục vụ nhu cầu mua sắm trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dầncho nhân dân, theo Chỉ thị số 12/CT-BCT ngày 12 tháng 11 năm 2021 của Bộ Công Thương và chỉ đạo của UBND tỉnh;

- Tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; tích cực thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo chỉ đạodo TW và UBND tỉnh phát động đặc biệt là vùng sâu, vùng xa;

- Phối hợp chặt chẽ cùng với các ngành thành viên Ban 389 của tỉnh và các lực lượng chức năng khác tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Kiên quyết xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân cố tình vi phạm các quy định như không niêm yết giá, bán hàng cao hơn giá niêm yết, đầu cơ găm hàng, tăng giá, buôn lậu và gian lận thương mại; vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết theo quy định của Pháp luật.

Trên đây là báo cáo tình hình triển khai các nhiệm vụ theoChỉ thị số 12/CT-BCT ngày 12/11/2021 của Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022của Sở Công Thương tỉnh Điện Biên./.

 

 

GIÁM ĐỐC

(đã ký)

Vũ Hồng Sơn


Tin khác

Giá xăng dầu hôm nay 26/9: Tăng trở lại, liệu đà tăng có bền vững?
Giá xăng dầu sắp tăng vì "gánh" thêm chi phí vận chuyển

Giá xăng dầu sắp tăng vì "gánh" thêm chi phí vận chuyển / * Thị trường - Giá cả

Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã thống nhất điều chỉnh phụ phí, chi phí đưa xăng dầu từ 2 nhà máy lọc dầu về đến cảng để phản ánh vào giá cơ sở sớm nhất có thể.

Giá xăng dầu hôm nay 7/10: Tiếp tục tăng khi nguồn cung hụt dần

Giá xăng dầu hôm nay 7/10: Tiếp tục tăng khi nguồn cung hụt dần / * Thị trường - Giá cả

Dự trữ dầu của Mỹ giảm vào tuần trước đã hỗ trợ giá dầu.